(TN&MT) – Ngày 24/10, tại Hà Nội, Tạp chí TN&MT tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi Năng lượng xanh – Hướng tới mục tiêu Net Zero”.
Phát biểu khai mạc, TS. Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập Tạp chí TN&MT cho biết, việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó, sứ mệnh tiên phong của doanh nghiệp đối với đầu tư và khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo như: Điện mặt trời trên mái nhà, điện gió và năng lượng sinh khối.
Việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn tăng tính tự chủ năng lượng và giảm chi phí dài hạn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc chuyển đổi năng lượng nhằm tạo ra sự tiết kiệm tiêu dùng tích luỹ, với mục tiêu đạt khoảng 10 nghìn tỷ đồng (tương đương 480 triệu USD) và giảm đáng kể khí thải carbon, với ước tính giảm khoảng 34 triệu tấn vào năm 2030.
Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH), đến năm 2030, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cần giảm 32,6%, tương đương với tổng lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương. Cùng với đó, Việt Nam cần đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030 và tiến tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người dân về tiết kiệm năng lượng và vai trò của cơ quan báo chí trong việc truyền thông các chính sách phát triển năng lượng, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng đảm bảo sự phát triển bền vững là vô cùng quan trọng…
Hội thảo tập trung vào chủ đề chính về: Chuyển đổi năng lượng xanh; bối cảnh toàn cầu, cam kết với quốc tế của Việt Nam và thực trạng, giải pháp triển khai năng lượng xanh tại Việt Nam; ứng dụng khoa học, công nghệ để thu hồi và phát triển năng lượng xanh…
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT khẳng định, chuyển dịch năng lượng là xu hướng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các cam kết của các quốc gia trong việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Việt Nam, với mục tiêu Netzero vào năm 2050, hiện đang phải đối mặt với các thách thức trong việc loại bỏ dần điện than, điều này hướng tới mở ra cơ hội tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo và công nghệ tiên tiến.
Theo đó, đề cập đến kinh nghiệm từ nước ngoài trong cơ chế chuyển đổi năng lượng, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, tại Indonesia, việc tập trung chuyển đổi các nhà máy điện than thông qua tài chính xanh đã được thực hiện từ nhiều năm trước; trong khi Philippines đã thực hiện thành công việc đồng loạt đốt sinh khối và LNG tại một số nhà máy điện lớn.
Tuy nhiên, một thách thức lớn trong quá trình loại bỏ điện than chính là tác động xã hội đối với các công nhân trong ngành khai thác và sản xuất điện than. Do đó, không riêng Việt Nam, mà các nước trên thế giới cũng cần tập trung chú trọng vào việc hỗ trợ đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, tăng cường đào tạo nghề và tạo ra các công việc mới trong ngành năng lượng tái tạo cho các công nhân. Điều đó đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng và toàn diện.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cần tích cực thúc đẩy sự phát triển của nguồn năng lượng xanh, bền vững, cung cấp cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch và bảo vệ môi trường. Một trong những cơ chế quan trọng nhất là Chính sách Mua điện cố định (FIT – Feed in Tariff), sẽ cho phép các nhà sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo được hưởng mức giá ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn vốn và đảm bảo lợi nhuận bền vững.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ThS. Đinh Nam Vinh – Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, để thực hiện mục tiêu hướng đến Net Zero, còn cần chú ý giải quyết những thách thức về nguồn lực và hạ tầng, đặc biệt trong việc phát triển nguồn năng lượng hạt nhân.
Qua đó, ông đưa ra một số đề xuất giúp đa dạng hoá các nguồn năng lượng như cần nghiên cứu, phát triển các mô hình công nghệ thông minh để làm chủ công nghệ, hỗ trợ năng suất làm việc cho con người; tối ưu hoá và làm chủ điều phối điện; chuyển đổi xanh sang ô tô điện về năng lượng; các lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cũng cần hướng đến việc chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững.
TS. Dư Văn Toán – Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo cho biết, việc Phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo hướng đến Netzero tại Việt Nam, cần chú trọng xây dựng Chương trình khoa học Công nghệ nghiên cứu về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi từ chính sách, pháp luật, quản lý đến đánh giá, khảo sát thực địa điện gió ngoài khơi, kinh tế, đầu tư điện gió ngoài khơi, kỹ thuật công nghệ điện gió ngoài khơi cùng các vấn đề môi trường trong phát triển điện gió ngoài khơi.
Đồng thời, cần tiếp tục đánh giá tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh toàn vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, như việc nghiên cứu để quy hoạch các trang trại triển điện gió ngoài khơi xa bờ không nối lưới, phục vụ cho đảo và sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh, trong tương lai với nhiều lợi ích lớn khác.
Ngoài ra, cần có nghiên cứu xây dựng và phê duyệt Đề án Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để chuẩn hóa bản đồ biển, ranh giới và diện tích biển, đo đạc biển; đặc biệt, cần nghiên cứu và ban hành cơ chế thí điểm đột phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi đến năm 2030 giúp khởi động thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi khoảng 3 – 4 GW, nhằm hoàn thiện chính sách phát triển ngành công nghiệp triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, kèm sản xuất H2 xanh.
Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero” đã nhận được nhiều tham luận nghiên cứu và ý kiến trao đổi, thảo luận đến từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp, đã cùng đưa ra các giải pháp cụ thể cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở Việt Nam, đồng thời giúp nâng cao nhận thức về vai trò của năng lượng tái tạo, tìm kiếm các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Theo Hoài Thu
BÀI VIẾT LIÊN QUAN