Không gian kết nối, chia sẻ về logistics
Ngày 8/11, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam diễn ra Hội thảo quốc gia về logistics và quản lý chuỗi cung ứng (CLSCM) lần thứ 4 với chủ đề “Phát triển kinh tế và thu hút đầu tư với chuỗi cung ứng thông minh, bền vững”.
Tham dự hội thảo, có đại diện lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), các Sở Công thương, KH&CN, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng; đại diện lãnh đạo các trường đại học, lãnh đạo Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, các tập đoàn, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực logistics.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Đức – Phó Hiệu trưởng Đại học Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh, 20 năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất ở châu Á và thế giới nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định.
Hội thảo quốc gia về logistics và quản lý chuỗi cung ứng lần thứ 4 diễn ra sáng 8/11 tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. |
Cùng với sự phát triển liên tục trên mọi lĩnh vực của nền kinh tế, ngành logistics đang nhanh chóng chuyên môn hóa và trở thành ngành dịch vụ rất quan trọng. Logistics không chỉ đóng vai trò vận chuyển hàng hóa hiệu quả, an toàn mà còn đảm bảo sự liên kết mạch lạc giữa các bộ phận của quá trình xuất khẩu.
Logistics đã trở thành yếu tố thúc đẩy dòng chảy của các giao dịch kinh tế cũng như là hoạt động quan trọng đối với hầu hết các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ.
Định kỳ hằng năm, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam đã phối hợp với các trường (Đại học Hàng hải, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Đà Nẵng, Đại học Tài chính – Marketing và Đại học Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hội thảo được tổ chức tại Hải Phòng.
|
PGS.TS Nguyễn Minh Đức – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. |
Ban tổ chức mong muốn, hội thảo lần này sẽ tạo không gian kết nối và chia sẻ của các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp về tri thức hiện đại, kinh nghiệm phong phú và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Hải Phòng thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam
Tại hội thảo, ông Bùi Ngọc Hải – Phó trưởng BQL Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là trung tâm, một cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng, là cửa chính ra biển tại miền Bắc với lịch sử 100 năm cảng biển – logistics.
Hải Phòng cũng là đầu mối giao thông tích hợp quốc gia, quốc tế, hội tụ của các hành lang kinh tế, vành đai khu kinh tế quốc gia, quốc tế; trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo; trọng điểm chiến lược kinh tế biển và trung tâm đào tạo nhân lực logistics.
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị định hướng phát triển Hải Phòng, đến năm 2025 trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc gia; đến năm 2030 trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao.
Ông Bùi Ngọc Hải – Phó trưởng BQL Khu kinh tế Hải Phòng trao đổi, chia sẻ về định hướng quy hoạch, phát triển cảng biển – logistics tại Hải Phòng. |
Hiện nay, toàn thành phố đã thu hút được hơn 27,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong các khu công nghiệp, khu kinh tế với khoảng 800 dự án. Cơ cấu đầu tư trọng tâm vào lĩnh vực cơ khí, máy móc (32%), điện tử (30%), logistics (15%)… Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đến từ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore… đã và đang đầu tư, mở rộng sản xuất.
Với lợi thế về vị trí địa lý, giao thông vận tải và nhiều chính sách tốt, hằng năm ngành logistics Hải Phòng tăng trưởng từ 18-23%, đóng góp 10-15% vào GRDP thành phố và giải quyết việc làm cho hơn 175.000 lao động trong lĩnh vực logistics.
Thành phố hiện có 14 khu công nghiệp, 15 cụm công nghiệp; một Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải với tổng diện tích hơn 22.000ha, trọng tâm phát triển kinh tế hàng hải, dịch vụ cảng, trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại, logistics quốc tế.
Quy hoạch phát triển cảng biển, logistics tại Hải Phòng. |
Theo ông Bùi Ngọc Hải, TP Hải Phòng quy hoạch và xây dựng đề án thành lập thêm Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng bao gồm một phần quận Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng với tổng diện tích 20.000ha. Điểm nhấn là cảng Nam Đồ Sơn, sân bay Tiên Lãng và một phần không gian sử dụng phát triển khu thương mại tự do.
Khu kinh tế ven biển phía Nam sẽ là khu kinh tế đa ngành, xanh với trọng tâm là công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trung tâm logistics hiện đại thông minh với mô hình đô thị kết hợp, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.
Quy hoạch phát triển logistics Hải Phòng cũng gắn liền với nhiều dự án trọng điểm như: cao tốc ven biển (Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình – Thanh Hóa); đường sắt tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh; đường sắt Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Thái Bình; đường sắt Quảng Châu – Đông Hưng (Quảng Tây) – Móng Cái – Hải Phòng.
Bên cạnh đó, còn có dự án mở rộng sân bay quốc tế Cát Bi, xây dựng sân bay quốc tế Tiên Lãng. Với những định hướng quy hoạch như vậy sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển logistics cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp thảo luận 6 chủ đề phát triển logistics và quản lý chuỗi cung ứng. |
6 chủ đề phát triển logistics
Trong buổi hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên kinh tế, đại biểu đến từ các trường đại học, các sở ngành thành phố đã tích cực thảo luận 6 chủ đề phát triển logistics.
Trọng tâm là: chuyển đổi số và tích hợp công nghệ trong logistics và quản lý chuỗi cung ứng; chuỗi cung ứng bền vững và thông minh với lợi thế cạnh tranh; phát triển nguồn nhân lực logistics và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều chủ đề nổi bật khác như: Phát triển bền vững, tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư; Chuỗi cung ứng bền vững và thông minh với lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp logistics xanh.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN